Tìm hiểu bánh tráng truyền thống Bình Định
TÌM HIỂU BÁNH TRÁNG TRUYỀN THỐNG BÌNH ĐỊNH
Bánh tráng (bánh đa) là món ăn làm bằng bột gạo, mì (sắn). Tùy theo các loại bánh khác nhau mà cách làm bánh có phần khác biệt. Đối với bánh làm từ bột gạo, bột mì: Hàng ngày, từ tờ mờ sáng, người thợ làm bánh đã thức dậy, ngâm gạo, xay và pha bột. Kế đến là đốt lò và đặt lên đó một nồi nước lớn có căng tấm vải trên miệng nồi để làm khuôn. Đợi nước sôi, họ dùng một vá dừa nhỏ, múc bột đổ lên tấm vải, tráng một lớp mỏng rồi đậy nắp lại. Một lát sau, họ dùng cái nẹp tre hay chiếc đũa lớn vớt bánh ra, trải lên vỉ tre, mang đi phơi khô để ăn dần.
Để làm được bánh tráng nước dừa không dễ. Đây là loại bánh đặc biệt… dày và thơm ngon nên người làm cũng phải dụng công rất nhiền. Chiếc bánh làm ra phải có mùi thơm đậm đà từ mì, mè, hành, tiêu, dừa. Còn phải mặn mà hơn so với các loại bánh thông thường.
Nguyên liệu chuẩn gồm 1 kg bột mì loại một, 1 trái dừa đã xay xát, 1 chén mè đen, 1 nắm muối hột, 1 muỗng tiêu xay (để thêm một ít tiêu nguyên hạt).
Những người làm bánh tráng nước dừa ở Bình Định cho biết, họ thường phải dậy vào lúc 2 giờ sáng để bắt đầu một ngày làm bánh. Công đoạn đầu tiên là nhóm bếp lò. Bếp phải đạt độ nóng tiêu chuẩn mới có thể chín bánh vì bánh dày và nhiều nguyên phụ liệu kèm theo cũng khó chín không kém.
Sau khi nhóm lò xong, người thợ bánh quay sang chuẩn bị nguyên liệu. Hầu hết mọi nguyên liệu đều được làm lúc này để bánh tráng ra không bị hôi ê hay có mùi chua. Người thì xay dừa, người lắng bột, người gọt hành… Không khí buổi sáng sớm vốn tĩnh mịch bỗng ràng hẳn lên.
Xong xuôi, các nguyên liệu sẽ được gia giảm, trộn chung với nước, đánh đều tay để chuẩn bị cho việc tráng bánh.
Với những người trong nghề, người tráng bánh là người thực hiện công đoạn khó nhất của quá trình làm bánh tráng nước dừa. Cái bánh có tròn đều, độ dày bằng nhau, nhìn có “khéo” có đẹp hay không là ở tay người tráng. Thông thường, người ngồi ở vị trí này phải có nhiều năm kinh nghiệm mới có thể cho ra những chiếc bánh đúng “chuẩn” nhất.
Tiếp theo là bắt và bỏ bánh ra phiên. Những ngón tay của người bắt bánh từ khuôn ra thường bị chai sần vì sức nóng cao của chiếc bánh. Không những phải chịu nóng giỏi, người thợ ở công đoạn này còn phải nhanh tay và khéo léo để trải chiếc bánh sao cho thắng thớm, đẹp mắt.
Cuối cùng là phơi bánh. Đây tưởng là công đoạn dễ nhất nhưng lại…hồi hộp nhất vì trời bất chợt đổ mưa thì coi như công cốc. Hình ảnh những mẹ, những chị phơi bánh đã trở thành một phần ký ức đẹp với những người con xứ dừa Tam Quan.
Bánh được phơi từ lúc mặt trời mới hửng cho đến buổi xế chiều trong mùa nắng gắt là gỡ ra lấy được.
Giờ chỉ còn một việc là nhóm lò than hồng, nướng bánh, nhâm nhi vị bánh giòn rụm, thơm lựng mùi hành, tiêu, mè, ngòn ngọt bùi bùi... mà hỉ hả, rôm rả buổi chiều quê.